Chất liệu: Gốm nặng lửa
Kích thước: 19cm; Khung hoàn thiện: Dài 28cm x Rộng 28cm x Dày 4,5cm
Chế tác: Circle Group
Phát hành: Rồng Vàng Thăng Long
PHÙ ĐIÊU GỐM RỒNG THĂNG LONG
Với người Việt: Rồng được coi là vật tổ (Totem). Truyền thuyết xưa kể lại, Rồng là con của trời, có thể gây mưa, mang đến mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, khí trời mát mẻ. Rồng có khả năng điều hòa nguyên khí của đất trời, ban phát sự tốt lành cho trần gian. Rồng cũng là biểu tượng của sức mạnh vô biên, giúp cho doanh nhân làm ăn phát đạt nên nó có ý nghĩa tối cao trong phong thủy.
Thời phong kiến, Rồng là biểu tượng quyền lực của người đứng đầu một đất nước. Vua còn được gọi là thiên tử, ý chỉ con trời. Vì vậy, trên trang phục (long bào), ấn tín (kim ngọc bảo tỷ), các đồ dùng của nhà vua đều khắc họa hình nét Rồng. Kiến trúc cung điện, lăng tẩm của vua chúa các triều đại trước cũng đặc biệt sử dụng nhiều hình tượng Rồng.
Huyền thoại dời đô của vua Lý Thái Tổ với cái tên đầy ý nghĩa “Thăng Long” là một dấu ấn quan trọng cho thấy việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La – nơi đây còn được ví “mảnh đất Rồng bay” với hình thế “Rồng cuộn – Hổ ngồi” , ẩn chứa trong đó là một thông điệp: mảnh đất đế vương.
Trên vật phẩm Phù điêu gốm Rồng Thăng Long, Rồng ở tư thế vận động từ trên xuống dưới, đầu ngẩng cao rồi cuộn tròn vào giữa, toàn thân tạo thành một khối tròn. Miệng Rồng ngậm ngọc, mào và bờm đang bay lượn uyển chuyển vươn lên phía trước. Bao lấy xung quanh hình tượng Rồng là dải hoa cúc dây uốn lượn mềm mại, nhẹ nhàng thanh thoát. Rồng Thăng Long biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Khắc họa hình tượng Rồng cùng viên ngọc biểu hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, tính minh triết và tinh thần cao thượng của dân tộc Việt.
Rồng thời Lý không chỉ mang ý nghĩa về mặt chính trị – biểu trưng cho quyền lực – mà hình tượng Rồng thời Lý có sự độc đáo riêng không lẫn với bất cứ hình tượng Rồng nào ở các triều đại sau này, thậm chí có một sự độc đáo duy nhất trên thế giới.