Tranh có nguyên gốc từ Bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy có niên đại khoảng đầu thế kỷ XVII là bộ tượng gỗ Di Đà Tam Tôn có niên đại cổ nhất ở Việt Nam.
Trải qua thăng trầm lịch sử, với nhiều triều đại liên tiếp đã tạo dựng cho Việt Nam một kho tàng đồ sộ về vật thể và phi vật thể, kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất (Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 150 năm) nền nghệ thuật hàn lâm & dân gian Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ đa dạng và đa chiều.
Trong tranh Phật A Di Đà ngự chính giữa, vị trí cao nhất. Phật tọa theo tư thế kiết già. Đầu Phật có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh. Tai đeo hoa, cổ đeo vòng trang trí hình tròn lớn ở giữa với hình hoa mai và anh lạc. Tay phải của để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhẫn có mặt hoa cúc mãn khai. Phật khoác áo cà sa chùng lỏng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mở bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng nhiều nếp và bó mối xoắn.
Quan âm Bồ tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng trên mặt đài sen. Đầu đội mũ thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đóa ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt nhìn thẳng phía trước, đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như tràng hạt.
Bồ tát Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng. Đầu đội mũ thiên quan, lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Mặt thanh nhỏ, Cổ đeo vòng. Tay phải cầm phất trần đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Bồ Tát khoác cà sa chùng rộng, quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi.