Tu Di tòa là một loại hình nghệ thuật kinh biến, dùng để hiện thực hóa- vật chất hóa các mô tả về ngọn núi Tu Di của kinh điển Phật giáo bằng nghệ thuật tạo hình (điêu khắc, kiến trúc). Các sách Hoa Nghiêm kinh, Diệu pháp liên hoa kinh, A Hàm kinh, Phật tổ thống kỷ, Hoa tạng truyện, Pháp giới an lập đồ, … đều đề cập hoặc mô tả ngọn núi này.
Núi Tu Di nằm trong trung tâm của một tiểu vũ trụ hình đĩa dẹt, đồng tâm đa tầng.
Bao xung quanh núi Tu Di lần lượt là 8 vòng núi xen kẽ với 8 vòng biển.
Toàn bộ cấu trúc này được gọi là cửu sơn bát hải (9 núi tám biển) hay là một mạn đồ la (mandala).
Núi Tu Di có chân cắm sâu xuống nước 84.000 do tuần, thân vươn cao 84.000 do tuần, đỉnh nở rộng 84.000 do tuần như một đóa sen lớn.
Nhìn từ xa, ngọn núi Tu Di mang hình một đóa hoa sen. Ngọn núi hoa sen này đặt trong một tiểu vũ trụ hình hoa sen với 8 vòng núi bao quanh giống như 8 lớp cánh sen.
Vì thế một đồ hình mandala vũ trụ với núi Tu Di có thể hình dung như là “hoa sen trong hoa sen”, hay PGS.TS Trần Trọng Dương đã từng mô tả “hoa sen nở ra hoa sen, hoa sen nở ra thế giới” (2013).
Trên đỉnh của núi hoa sen Tu Di có cung Đao Lị Thiên là nơi trú xứ của chư thiên.
Đỉnh núi Tu Di tỏa ra ánh hào quang nên còn được gọi núi Diệu Cao 妙高, Diệu Quang 妙光, An Minh 安明.
Bộ khái niệm “cửu sơn bát hải’- “Tu Di sơn”- “Mandala”- “tiểu thế giới”- “mandala”- “Hoa tạng thế giới” tuy khác nhau về vỏ ngôn từ, nhưng đều là những cách diễn đạt khác nhau về thế giới quan Phật giáo.
Từ những mô tả trong kinh điển Phật giáo, các tín đồ nhà Phật dù ở Nam Á hay Đông Á đều có những phương thức hiện thực hóa kinh điển thành các loại hình kinh biến khác nhau: nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, pháp khí, hội họa, nghi lễ. Trong đó, nghi lễ là trung tâm của các thực hành tôn giáo, còn kiến trúc- điêu khắc- hội họa- pháp khí là những dạng kinh biến để phục vụ cho nghi lễ, tôi tạm gọi là nghệ thuật kinh biến.
Khi người ta tạc đài Phật ngự là hiện thực hóa cấu trúc vũ trụ bằng nghệ thuật điêu khắc. Nên Tu Di tòa hay liên tòa và tượng Phật chỉ là một loại điêu khắc kinh biến được đặt trong không gian chùa tháp- một loại hình kiến trúc kinh biến, cùng sự trang nghiêm của các bức tranh vẽ hay bích họa (hội họa kinh biến).